Peel da là gì? Peel da có tốt không? Có nên peel da không?

Peel da là gì?

Peel da là phương pháp chăm sóc da khá quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả của các bước dưỡng da hàng ngày. Đặc biệt nếu da có các vấn đề về sạm, nám, mụn, da không đều màu thì không thể bỏ qua peel da. Vậy peel da là gì, peel da có tác dụng gì, các lưu ý để peel da hiệu quả nhất là gì? Tất cả những câu hỏi đó sẽ được trả lời trong bài viết dưới đây.

Peel da là gì?

Peel da

Peel da (hay lột da hóa học) là phương pháp chăm sóc da sử dụng các hợp chất tự nhiên tác động mạnh lên bề mặt giúp loại bỏ tế bào da chết và vi khuẩn, bụi bẩn nằm sâu dưới lỗ chân lông. Peel da có tác dụng kích thích các tế bào da bị lão hóa bong tróc, đẩy nhanh tái tạo làn da mới qua đó đem lại làn da tươi sáng, đẩy lùi các dấu hiệu lão hóa. Về bản chất, đây là hình thức sử dụng các hoạt chất hóa học nhằm thúc đẩy quá trình thay da và tái tạo tế bào da mới.

Tác dụng của peel da là gì?

Peel da dùng để điều trị một số tình trạng da nhất định hoặc để cải thiện vẻ ngoài của bạn bằng cách cải thiện tông màu và kết cấu của da. Peel da được thực hiện nhiều nhất trên mặt, cổ hoặc tay, giúp giảm bớt hoặc cải thiện:

  • Ngăn ngừa lão hóa da, cải thiện các nếp nhăn dưới mắt hoặc xung quanh miệng và nếp nhăn do tác hại của ánh nắng mặt trời, lão hóa và các yếu tố di truyền
  • Đốm nắng, đồi mồi, đốm gan, tàn nhang, da không đều màu, các vết thâm do mụn
  • Da thô ráp, có vảy, da xỉn màu
  • Điều trị tình trạng mụn nhẹ cũng như ngăn ngừa mụn tái phát.
  • Xóa mờ các vết sẹo nông, nhẹ

Khi nào nên peel da?

Nhìn chung, peel da là một phương pháp chăm sóc da có nhiều ưu điểm nhưng không phải lúc nào cũng có thể thực hiện. Nếu da bạn có các vấn đề về mụn nhẹ, sẹo nông, da không đều màu… như trên và không gặp một số vấn đề da dưới đây thì có thể peel da.

  • Da nhạy cảm, da mỏng, đang bị mụn viêm….
  • Đang bị các bệnh lí nhạy cảm liên quan đến ánh sáng.
  • Mới phẫu thuật thẩm mỹ, điều trị laser….
  • Phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Có tiền sử sẹo da bất thường.
  • Có thêm màu trong vết sẹo.
  • Da quá nhạy cảm hoặc đang dùng thuốc khiến da nhạy cảm hơn.
  • Không thể tránh ánh nắng mặt trời trong thời gian peel

Ngoài ra, một số trường hợp dị ứng với một thành phầm nào đó trong mỹ phẩm sử dụng để peel thì cũng không nên thực hiện peel da vì có thể dẫn đến kích ứng.

Để tăng sự yên tâm, bạn có thể nhờ thêm sự thăm khám, tư vấn của các chuyên gia da liễu trước khi thực hiện peel da.

Peel da có tốt không? Có nên Peel da không?

Để đánh giá peel da có tốt hay không chúng ta cần hiểu rõ tác dụng mà quá trình này đem lại cũng như ưu – nhược điểm của nó.

Có nên peel da không?

Về ưu điểm, so với các phương pháp dưỡng da khác, phương pháp này có một số ưu điểm nổi bật như:

  • Quá trình peel da phá vỡ các tế bào hư tổn bằng cách gây ra các vi tổn thương trên bề mặt da (ở mức độ an toàn), kích thích đẩy nhân mụn, thúc đẩy sản sinh collagen mạnh mẽ từ bên trong. Vì vậy, không chỉ có khả năng trị mụn, peel da còn làm đầy các ổ sẹo do mụn để lại. Thậm chí, phương pháp này còn giúp xóa thâm, giúp da bật tone, tươi sáng hơn.
  • Nếu lựa chọn đúng sản phẩm phù hợp, có chứa các hoạt chất chiết xuất từ thiên nhiên, lành tính và an toàn thì peel da hoàn toàn không gây đau đớn. Với những người cơ địa da nhạy cảm cũng chỉ có cảm giác hơi châm chích hoặc đỏ, rát khi vừa làm xong. Các triệu chứng này thường chỉ xuất hiện trong khoảng 5 – 10 phút đầu sau khi trị liệu và sẽ dịu đi khi người dùng chườm đá lạnh ngay sau khi peel.
  • So với các phương pháp điều trị mụn thông thường, phương pháp peel da hóa học mang lại hiệu quả nhanh hơn, liệu trình điều trị ngắn hơn. Liệu trình peel cho da mụn nhẹ thường chỉ kéo dài khoảng 2 – 3 lần, trường hợp mụn nặng cần khoảng 5 – 7 lần để có kết quả tốt hơn. Thời gian phục hồi sau mỗi lần điều trị cũng khá nhanh, thường chỉ khoảng 7 – 10 ngày, tùy cơ địa.
  • Phương pháp này ít gây kích ứng, sưng, viêm nên sau khi điều trị bạn không cần dành nhiều thời gian nghỉ dưỡng da.
  • Nếu bạn peel da đúng cách kết hợp với chế độ chăm sóc da khoa học thì không những không làm mỏng da mà trái lại còn tăng cường lớp bảo vệ da với hiệu quả kéo dài.

Tác dụng

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhiều nhược điểm mà chúng ta cần lưu ý như:

  • Nếu không lựa chọn được sản phẩm peel da phù hợp hoặc cơ sở chăm sóc da uy tín sẽ khó mang lại hiệu quả như ý, thậm chí khiến tình trạng da tồi tệ hơn ban đầu.
  • Sau khi peel da cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc da mới có thể duy trì được hiệu quả của quá trình trị liệu.
  • Vì mang lại hiệu quả nhanh chóng với chi phí thấp nên có nhiều trường hợp đã peel da như một thói quen định kỳ. Tuy nhiên, lạm dụng peel da “vô tội vạ” sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe làn da.

Nhìn chung, nếu như bạn thắc mắc có nên peel da hay không thì câu trả lời là bạn nên dựa vào tình trạng da thực tế của mình. Nếu như bạn đang có một làn da khỏe, ít khuyết điểm thì thực tế, phương pháp này cũng không đem đến quá nhiều hiệu quả nổi bật. Nhưng nếu bạn có một làn da nhiều khuyết điểm như thâm mụn, sạm xỉn, mụn ẩn… thì peel da sẽ là một giải pháp tốt nếu như bạn thực hiện đúng cách hoặc chọn được cơ sở trị liệu uy tín.

Các loại peel da và các hoạt chất peel da thường dùng

Mỹ phẩm peel da

Có rất nhiều loại peel da khác nhau đã được tạo ra để đáp ứng nhu cầu cũng như đặc điểm của từng loại da, về cơ bản, chúng được chia thành 3 loại chính.

Peel nông

Đây phương pháp peel da được thực hiện phổ biến nhất trên toàn thế giới. Peel nông (hay lột da bề mặt) chỉ ảnh hưởng đến lớp ngoài cùng của da (lớp biểu bì), và có thể chạm nhẹ tới lớp trung bì. Phương pháp peel da nông thường sử dụng các hoạt chất với nồng độ axit alpha-hydroxy và beta-hydroxy từ thấp đến trung bình.

Ví dụ bao gồm axit glycolic 20% đến 50%, axit lactic 20% đến 50% , axit mandelic 30% đến 40%, axit citric 10% đến 25% và axit salicylic (BHA) 30% .

Peel nông được dùng khi da có tình trạng sạm màu nhẹ, nếp nhăn và mụn nhẹ, da nhờn. Peel nông có thể không gây ra cảm giác gì hoặc gây châm chích nhẹ trên da, tương đối an toàn để thực hiện tại nhà.

Peel trung bình

  • Lớp da tác động: Lớp bề mặt bên ngoài và lớp trung bì.
  • Hoạt chất thường dùng: Axit glycolic 70% và TCA (axit trichloroacetic) 50%.
  • Tác dụng: Mang lại cho bạn làn da mịn màng, tươi trẻ.
  • Nên dùng khi: Da không đều màu hoặc sạm ở mức độ trung bình, đốm đồi mồi, sẹo mụn hoặc nếp nhăn từ nhẹ đến trung bình.
  • Thời gian phục hồi da: Có thể mất một tuần hoặc hơn và cần một thời gian nghỉ dưỡng (thường 4-6 tuần)

Phương pháp peel da trung bình này sẽ gây ra hiện tượng châm chích, đau rát, vì thế bạn cần đọc kỹ hướng dẫn để xem thời gian bôi hoạt chất peel da phù hợp, có thể rửa sạch hoặc trung hòa hoạt chất ngay khi vượt quá ngưỡng chịu đựng.

Peel sâu

Peel da sâu không được thực hiện thường xuyên và ít gặp hơn vì nó gây ra nhiều tổn thương cho da. Tương tự phương pháp peel da này, các bạn có thể cân nhắc đến việc sử dụng các phương pháp laser để giảm xâm lấn và ít mang lại tác dụng phụ hơn.

Các thành phần phổ biến được sử dụng để peel da sâu bao gồm nồng độ TCA lớn hơn 50% và axit phenol. Peel da sâu sẽ dành cho những người bị lão hóa da từ bên trong và do môi trường hoặc do tia cực tím từ trung bình đến nặng, bao gồm các nếp nhăn sâu, rãnh nhăn và tăng sắc tố nghiêm trọng.

Peel sâu chỉ nên thực hiện bởi các bác sĩ y khoa được đào tạo, và trong bối cảnh có các thiết bị theo dõi và xử lý tình huống phát sinh cần thiết.

Chi tiết một số hoạt chất thường dùng khi peel da

Trong quá trình peel, chúng ta có thể sử dụng đơn chất hoặc đa chất để tăng cường hiệu quả lột da hóa học. Tuy nhiên, các loại dung dịch thường được sử dụng nhiều nhất thường là:

  • Alpha Hydroxy Acid (AHA):  Acid gốc nước tự nhiên được chiết xuất từ thực phẩm, có nhiều công dụng khác nhau như tẩy tế bào chết, hỗ trợ trị nám và làm sáng da, trị mụn, sẹo mụn…
  • Salicylic Acid (BHA): SA hay còn được gọi là BHA – Beta Hydroxyl Acid là một dạng axit gốc dầu có khả năng xuyên qua các lỗ chân lông, phá vỡ tế bào chết bị dính vào nhau và loại bỏ bã nhờn tắc nghẽn đồng thời kiểm soát lượng dầu dư thừa.
  • Tricloacetic Acid (TCA): Một dạng acid hữu cơ hỗ trợ quá trình tái tạo cấu trúc da mới, cải thiện nếp nhăn và sắc tố da. TCA được sử dụng tùy theo nồng độ để phục vụ cho mục đích peel trung bình đến peel sâu.
  • Retinol: Dẫn xuất của Vitamin A, giúp điều trị mụn, giảm nhờn, se khít lỗ chân lông, trẻ hóa da.
  • Jessner: Kết hợp giữa Alpha, Beta Hydroxies và Resorcinol, đạt hiệu quả cao trong điều trị mụn.

Những lưu ý trước, trong và sau peel da

Những lưu ý trước khi peel da

Lưu ý trước khi peel

Trước khi peel da, bạn cần đảm bảo da phải được làm sạch tối ưu. Tốt nhất bạn nên dùng máy rửa mặt để làm sạch da mặt tối ưu hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng chỉ nên peel da tối đa 2 lần/ tuần, không nên peel quá nhiều khiến da bị bào mòn do chưa kịp tái tạo lớp tế bào da mới. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý:

  • Ngưng sử dụng Isotretinoin hơn 30 ngày.
  • Ngưng sử dụng Retinol/ Tretinoin, Hydroquinone ở dạng bôi lên da hơn 7 ngày.
  • Ngưng sử dụng các chất có tính chất axit: AHA, BHA, Vitamin C ít nhất là 2 ngày.
  • Chăm sóc da với routine chăm sóc da cơ bản để giúp cho da bạn đủ ẩm, đủ khỏe, đủ nước.

Những lưu ý trong khi peel da

Lưu ý khi peel

Một số vùng da nhạy cảm như khóe mắt, cánh mũi, viền môi thường dễ bị ngứa, rát, châm chích nhẹ, bạn có thể thoa một chút Vaseline lên các vùng này để giảm bớt cảm giác châm chích. Tuy nhiên, nếu thấy da quá rát, châm chích vượt quá bình thường hoặc thấy tình trạng tệ hơn thì hãy ngừng liệu trình ngay lập tức.

Những lưu ý sau khi peel da

Lưu ý sau khi peel

Sau khi peel da là giai đoạn vô cùng quan trọng bởi da lúc này rất nhạy cảm, nếu không được chăm sóc cẩn thận, hiệu quả peel da sẽ không kéo dài thậm chí còn gây phản ứng ngược. Hãy lưu ý:

  • Không tẩy da chết (cả vật lý và hóa học) trong 2 tuần đầu sau khi peel da.
  • Luôn che chắn kín, bôi kem chống nắng đầy đủ trước khi ra ngoài. Trong 2 – 3 tuần đầu, da rất nhạy cảm và dễ tăng sắc tố nên hãy nhớ sử dụng kem chống nắng chống UVA cao.
  • 3 – 5 ngày đầu tiên sau khi peel da không dùng nước tẩy trang, nên dùng nước muối sinh lý hoặc các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, cấp ẩm cao, không chứa hương liệu, AHA, BHA…, không dùng sữa rửa mặt dạng hạt để vệ sinh da.
  • Không bóc mảng da bong, hạn chế chạm tay lên mặt sau khi peel do dễ nhiễm khuẩn gây viêm nhiễm.
  • Hạn chế các hoạt động mạnh gây đổ mồ hôi.
  • Tăng cường cấp nước, dưỡng ẩm cho da ví dụ như sử dụng kem cấp ẩm, xịt khoáng…
  • Trong giai đoạn sau khi peel, làn da mới còn đang nhạy cảm, hãy hạn chế trang điểm để bảo vệ da khỏi các tác nhân gây mụn.
  • Cần uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả, trái cây, bổ sung đạm và protein.

Sau khi peel da nên dùng sản phẩm gì?

Sau khi peel da, da trở nên nhạy cảm và dễ tổn thương hơn, vì vậy bạn cần chăm sóc da rất kỹ để đảm bảo hiệu quả peel da và bảo vệ da trong quá trình phục hồi.

Các sản phẩm có thể dùng sau peel da là serum, kem dưỡng cấp ẩm và phục hồi da. Có rất nhiều hãng, bạn có thể sử dụng sản phẩm của hãng quen dùng, miễn là chúng có các thành phần sau:

  • Hyaluronic Acid (HA): Cấp ẩm, giữ ẩm cho da. Nồng độ HA cao sẽ tốt hơn.
  • Axit Pantothenic (Vitamin B5): Làm da dịu và phục hồi nhanh hơn, dùng kết hợp với HA sẽ tăng tốc độ thẩm thấu

Đừng quên chống nắng. Đây là điều rất quan trọng, hãy che chắn cho vùng da peel thật kỹ và bôi kem chống nắng kỹ, đầy đủ, nhắc lại sau 3-4h.

Có thể nói peel da đem lại nhiều tác dụng tích cực nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn thương da, vì vậy, bạn cần phải cân nhắc và tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định sử dụng phương pháp làm đẹp này nhé.

Hy vọng bài viết trên đây đã đem đến nhiều thông tin hữu ích cho bạn. Hãy thường xuyên truy cập MAMA.vn để tham khảo thêm nhiều thông tin khác nhé! Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!

>>> Tham khảo thêm:

Select more than one item for comparison.