Hướng dẫn tẩy tế bào chết body an toàn, chi tiết nhất

Hướng dẫn tẩy tế bào chết body an toàn, chi tiết nhất

Tẩy tế bào chết (hay còn gọi là tẩy da chết) là một bước quan trọng trong một chu trình dưỡng da. Vậy tẩy da chết body là gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Tẩy tế bào chết body là gì?

Trước khi tìm hiểu thế nào là tẩy tế bào chết body, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tế bào chết (hay da chết) là gì.

Làn da của chúng ta có một chu kỳ sản sinh tế bào mới và loại bỏ các tế bào hóa sừng nằm ở lớp trên cùng của bề mặt da (được gọi là chu kỳ sinh học của da) diễn ra liên tục. Chu kỳ này thường sẽ kéo dài từ 30 – 45 ngày, da càng trẻ, càng ít dấu hiệu lão hóa thì chu kỳ này sẽ càng ngắn. Các tế bào hóa sừng sẽ được gọi là tế bào chết, hay đơn giản hơn là da chết.

Tuy nhiên, các tế bào chết ấy sẽ không tự động biến mất mà phải có sự tác động từ bên ngoài. Tẩy da chết chính là thao tác chúng ta tác động vào bề mặt da để lấy đi các tế bào chết này.

Tẩy tế bào chết body là gì?

Nếu không được làm sạch kịp thời, các lớp da chết sẽ tích tụ trên bề mặt, khiến da trở nên sần sùi, thô ráp, xỉn màu. Ngoài ra, nó còn làm bít tắc lỗ chân lông, khiến da dễ sinh mụn, dễ viêm nhiễm hơn. Tế bào chết cũng ngăn cản các dưỡng chất trong mỹ phẩm dưỡng da thẩm thấu vào sâu trong da và khiến chúng không thể phát huy được tác dụng tối ưu.

Thông thường, thao tác tẩy da chết sẽ chia làm 2 phần là tẩy da chết cho mặt và tẩy da chết cho body. Tẩy da chết body là thao tác làm sạch lớp da chết trên cơ thể (vùng cổ trở xuống) từ đó giúp da cơ thể mịn màng, tươi sáng hơn và hấp thụ dưỡng chất từ mỹ phẩm dễ dàng hơn.

Hướng dẫn tẩy da chết body chi tiết

Có thể thấy, tẩy tế bào chết body là một bước dưỡng da quan trọng. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện đúng cách để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất. Một quy trình tẩy da chết body tại nhà sẽ diễn ra như sau:

Bước 1: Làm sạch cơ thể

Trước khi tẩy da chết cho body, bạn cần tắm qua để loại bỏ bụi bẩn trên người. Đặc biệt đối với một số bộ phận như gót chân, mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay thường hay bị chai sạn, dần sùi thì bạn nên ngâm nước ấm để da mềm hơn, tế bào chết dễ bong hơn.

Bước 2: Tẩy tế bào chết

Cách tẩy da chết body

Lấy một lượng kem tẩy da chết vừa đủ ra tay. Tiếp theo, bạn thoa kem lên toàn bộ cơ thể và tiến hành massage nhẹ nhàng từ vùng cổ đến chân theo chuyển động tròn.

Đối với những vùng da mỏng, nhạy cảm thì không nên chà xát quá mạnh để tránh gây tổn thương đến da. Còn với những vùng như khuỷu tay, gót chân, mắt cá chân, đầu gối bạn nên chà xát nhiều lần để làm bong được các lớp da chết dày đặc trên da.

Sau đó, bạn dùng nước rửa hết phần kem tẩy da chết trên cơ thể đi.

Bước 3: Tắm lại bằng sữa tắm

Sau khi tẩy da chết, chúng ta vẫn nên tắm lại bằng sữa tắm để làn da có thể hấp thụ các dưỡng chất vào trong cũng như rửa sạch bụi bẩn, chất tẩy da chết còn sót lại trên da.

Cuối cùng, sau khi tắm sạch bọt sữa tắm, bạn sử dụng thêm kem dưỡng ẩm, thoa lên toàn bộ cơ thể. Bước này sẽ giúp duy trì độ ẩm cho da, hạn chế tình trạng da bị khô, bong tróc… sau khi tẩy da chết.

Những lưu ý khi tẩy da chết cơ thể

Những lưu ý khi tẩy da chết

Nhìn chung, cách tẩy tế bào da chết trên cơ thể khá đơn giản. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất cũng như giữ cho da không bị tổn thương trong quá trình này, bạn cần lưu ý:

  • Lựa chọn loại tẩy da chết phù hợp: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các loại tẩy da chết khác nhau dành cho body. Vì vậy, việc lựa chọn đúng loại tẩy chết phù hợp là điều mà chúng ta cần lưu ý. Theo các chuyên gia thì chúng ta nên sử dụng các dạng tẩy da chết có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chiết xuất tự nhiên, các hạt scrub có kích thước nhỏ, mịn để hạn chết trầy xước da. Tốt nhất nên dùng các loại tẩy da chết có dạng gel hoặc tẩy da chết tự làm từ các nguyên liệu như đường, muối, cà chua, bã cà phê…
  • Không dùng chung tẩy da chết cho mặt và body: Da cơ thể và da mặt có sự khác biệt rất lớn, vì vậy, chúng ta không nên dùng chung 1 loại tẩy da chết cho cả hai vùng này.
  • Dùng thêm kem dưỡng hoặc dầu dưỡng: Nên dùng thêm kem dưỡng, dầu dưỡng sau khi tẩy da chết cơ thể để dưỡng ẩm cho da, hạn chế khô nứt, bong tróc.
  • Thời gian tẩy da chết: Với body chúng ta có thể tẩy da chết định kỳ 1 tuần/lần và nên thực hiện vào cuối tuần. Bởi vì cuối tuần là thời điểm chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho bản thân cũng như ít tiếp xúc với các loại khói bụi, vi khuẩn, hóa chất… hơn.
  • Chống nắng sau khi tẩy da chết body: Sau khi tẩy da chết bạn nên thực hiện chống nắng đầy đủ để tránh bị cháy nắng bởi lớp tế bào mới vẫn còn non, dễ bị tổn thương.
  • Không tẩy da chết khi da đang gặp tổn thương: Khi da đang gặp các tình trạng như cháy nắng, nứt nẻ, mẩn đỏ, sưng phù hoặc mới phục hồi sau peel da hóa học thì không nên tẩy da chết.

Hy vọng qua bài viết này bạn đã hiểu thế nào là tẩy tế bào chết cũng như nắm rõ cách thực hiện tẩy da chết an toàn tại nhà. Đừng quên thường xuyên truy cập MAMA.vn để tham khảo thêm nhiều mẹo hữu ích khác nhé! Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!

Select more than one item for comparison.